(Dân trí) – Thiếu niên 16 tuổi đang ngủ thì đột ngột bị đau tức bìu trái, cơn đau liên tục, dữ dội. Cậu được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn, cần được mổ cấp cứu ngay để tránh “hạt ngọc” bị hoại tử.
Trong 2 tuần gần đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận đến 5 trường hợp bị xoắn tinh hoàn, trong đó có 2 ca do nhập viện muộn nên bác sĩ buộc phải cắt tinh hoàn.
Trường hợp của Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi, 16 tuổi, Hà Nội) may mắn đến viện trong thời gian “vàng”.
Theo đó, khoảng 6h cậu đang ngủ thì đột ngột bị đau tức bìu trái. Cơn đau diễn biến liên tục, dữ dội khiến em không thể ăn uống và đi học được. Vô cùng lo lắng, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 2.
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng tối cấp cứu trong nam khoa (Ảnh: B.V).
Tại đây, cậu được bác sĩ nam khoa thăm khám và chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 4. Bệnh nhân có các triệu chứng đặc trưng như khởi phát đột ngột, tinh hoàn trái nằm ngang và treo cao, ấn đau chói, giảm phản xạ cơ bìu trái.
Kết quả siêu âm tinh hoàn cho thấy thừng tinh trái tăng kích thước kèm hình ảnh “xoáy nước” rất đặc trưng của căn bệnh nguy hiểm này.
Trước tình trạng tối cấp cứu của bệnh xoắn tinh hoàn, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 1 để phẫu thuật cấp cứu. Cùng với đó, ekip trực cấp cứu và phòng mổ cũng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng nhằm tranh thủ thời gian “vàng” giữ lại tinh hoàn cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, nhận thấy tinh hoàn sưng nề, xanh tím, xoắn 1,5 vòng, các bác sĩ quyết định tháo xoắn, ủ ấm tinh hoàn, phong bế thừng tinh bằng lidocain. May mắn thay, sau 10 phút tinh hoàn trái đã hồng ấm trở lại và được cố định vào khoang bìu cùng với tinh hoàn bên còn lại.
ThS.BS Trần Văn Kiên, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người trẻ tuổi (89% dưới 25 tuổi). Bệnh thường khởi phát khi ngủ, lúc hoạt động gắng sức hay khi thời tiết trở lạnh dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt.
Một số yếu tố nguy cơ của xoắn tinh hoàn là tuổi trước hoặc trong dậy thì, di truyền, tinh hoàn hình con lắc chuông, thừng tinh dài…
Thời tiết lạnh cũng là một yếu tố nguy cơ khiến tinh hoàn dễ bị xoắn hơn. Theo các báo cáo của một số tác giả, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý do vì điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các dấu hiệu như đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, bìu sưng to và đau, đau có thể lan lên phía trên, tinh hoàn bị xoắn treo cao hơn bên đối diện. Đôi khi đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.
Theo BS Kiên, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh là mức độ xoắn và thời gian xoắn. Mức độ xoắn ảnh hưởng đến tốc độ bị phá hủy của tinh hoàn, xoắn càng chặt thì tinh hoàn càng thiếu máu nhiều và dễ bị hoại tử sớm hơn.
Thời gian vàng để cứu được tinh hoàn là trước 6 giờ kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Sau 24 giờ, gần như tất cả tinh hoàn xoắn đều hoại tử.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý tối cấp cứu, nếu không xử lý sớm thì nguy cơ cao phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng một phần tới khả năng sinh sản của nam giới. Ngoài ra, nó có thể ảnh hưởng tâm lý, khiến nam giới mất tự tin sau này khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn, rối loạn cương dương…
Vì thế, khi xuất hiện đau tinh hoàn, đặc biệt khi có dấu hiệu đau vùng bìu, cần nghĩ ngay đến tình trạng xoắn tinh hoàn và nhanh chóng tới cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
dantri.com.vn