Một số người lo lắng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm nên khi ăn đồ hộp như cá hộp, thịt hộp thường đun kỹ lại. Độc tố Botulinum tiềm ẩn trong thực phẩm đóng hộp (nếu có) liệu có còn gây nguy hiểm cho sức khỏe khi thực phẩm đã được đun lên?
1. Đun kỹ thực phẩm đóng hộp trước khi ăn để ngừa ngộ độc Botulinum ?
Con gái chị Th.V (Cầu Giấy, Hà Nội) dù không thích ăn cá nhưng riêng món cá sốt cà chua, cá ngừ ngâm dầu… đóng hộp lại là món yêu thích của con nên chị Th.V thường mua về cho con ăn.
Kể cả là ăn trực tiếp hay trộn cá với cơm và thêm chút sốt mayonnaise, rong biển thì chị V. vẫn cẩn thận đun kỹ cá hộp trước khi con ăn. Chồng con chị thắc mắc là sao phải làm thế, đun lên thì mất ngon nhưng chị V. cho rằng đun nóng lên mới an toàn.
Thắc mắc này cũng là của nhiều người có thói quen ăn cá hộp, thịt hộp. Vậy cách làm của chị V. có cần thiết không khi mà thực phẩm đóng hộp còn hạn sử dụng, hộp không có dấu hiệu phồng, móp, hoen gỉ và việc đun nóng có tác dụng phòng ngộ độc Botulinum hay không?
Lựa chọn và bảo quản thực phẩm đóng hộp đúng cách để ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo TS. Phạm Thùy Dương, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông : Thực phẩm đóng hộp là một dạng thực phẩm phổ biến hiện nay bởi tính tiện dụng, đa dạng của nó. Phương pháp đóng hộp thực phẩm cho phép lưu trữ thực phẩm trong một thời gian dài bằng quy trình phù hợp với từng loại thực phẩm và được chia làm ba giai đoạn: Chế biến, đóng hộp, làm nóng. Cả ba giai đoạn này đều đòi hỏi rất cao về việc ngăn ngừa và phòng tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn gây bệnh.
TS. Phạm Thùy Dương, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông.