Botulinum là độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, vậy các sản phẩm lên men truyền thống như dưa cà muối có nguy cơ nhiễm botulinum không?
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về việc liệu dưa cà muối có gây ngộ độc botulinum không và nếu có thì làm thế nào để phòng tránh khi mà dưa cà muối là món ăn phổ biến được ưa chuộng trong mùa hè?
1. Dưa cà muối là thực phẩm lên men có lợi cho đường ruột
Lên men là một kỹ thuật bảo quản thực phẩm truyền thống. Quá trình lên men thực phẩm sẽ tạo ra nhiều vi khuẩn và nấm men có lợi. Những lợi khuẩn này giúp giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng và làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột.
Trong quá trình lên men dưa cà, các vi khuẩn này sẽ tạo ra các enzym chuyển hóa đường và tinh bột thành axit lactic tạo vị chua cũng như tạo các enzym phân hủy một phần các protein trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn.
Chính vì vậy khi ăn dưa chua kết hợp với các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm… sẽ tạo cảm giác ngon miệng. Ăn dưa, cà muối đúng cách cơ thể còn được bổ sung thêm các lợi khuẩn và hệ thống miễn dịch được tăng cường.
Dưa cà muối là thực phẩm lên men có lợi cho đường ruột.
2. Dưa cà muối có thể gây ngộ độc botulinum nếu chế biến, bảo quản không an toàn
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng ngừa ngộ độc do nhiễm botulinum khi ăn các thực phẩm lên men như dưa muối, măng, cà muối…, thực phẩm đó cần đảm bảo phải có độ chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.