Bùi Anh Đức (nam sinh từng giành giải Ba tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22) đã đưa ra một quyết định bất ngờ khi không theo học những ngành hot mà chọn ngành Ngôn ngữ Đức của Trường ĐH Hà Nội.
Bùi Anh Đức (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) từng được biết đến không chỉ là 1 trong 4 thí sinh tham dự trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 mà còn là thí sinh khiến Ban tổ chức phải thông báo đính chính về sai sót trong việc không công nhận đáp án đúng.
Cụ thể, trong trận chung kết năm 2022, ở phần thi Về đích, Bùi Anh Đức đã giành được quyền trả lời câu hỏi Tiếng Anh của thí sinh Vũ Nguyên Sơn, đưa ra đáp án là “Bond”. Đáp án chương trình đưa ra khi đó là “Brotherhood”. Ngay tại thời điểm trực tiếp, chương trình đã không chấp nhận đáp án của Bùi Anh Đức và trừ thí sinh này 15 điểm.
Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc, Ban tổ chức cho biết đã kiểm tra lại với cố vấn Tiếng Anh và cố vấn đã chấp nhận câu trả lời của Bùi Anh Đức là “Bond”. “Câu trả lời của Bùi Anh Đức là hoàn toàn chính xác” – thông báo đính chính của chương trình nêu và đưa ra lời cáo lỗi cùng khán giả.
Nam sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm về với tỉnh Sơn La còn gây ấn tượng xuyên suốt các cuộc thi và cả ở trận chung kết bởi phong cách chơi thoải mái, tự tin nhưng không kém phần quyết đoán. Tinh thần vui vẻ, vô tư, lạc quan với nụ cười luôn thường trực trên môi là điểm cộng, khiến nam sinh được nhiều người yêu mến.
Có lẽ mọi người sẽ thêm yêu mến chàng trai này hơn nếu biết rằng để đến với cuộc thi năm đó, phía sau Đức là hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn khi bố mẹ đều mang trong mình trọng bệnh (bố bị suy thận, mẹ cũng mắc bệnh u tế bào, sức khỏe giảm sút sau 2 lần đại phẫu).
Dịp cuối năm 2023, tôi tình cờ có dịp gặp lại Anh Đức ở một chương trình tuyên dương các thủ khoa tại Hà Nội. Lần này, Đức báo với tôi 2 tin vui.
Tin vui thứ nhất là trong mùa tuyển sinh đại học năm 2023, Đức trở thành thủ khoa đầu vào của ngành Ngôn ngữ Đức – Trường ĐH Hà Nội theo phương thức Xét tuyển thẳng (giải Ba học sinh giỏi quốc gia). Kết quả này cũng giúp được có được suất học bổng từ trường.
Tuy nhiên, tôi có phần bất ngờ trước lựa chọn này. Bởi thông thường, các học sinh giỏi, lại góp mặt ở trận chung kết năm Olympia, sau đó thường chọn những ngành học hot. Bất ngờ cũng bởi, kể cả chọn theo học ngành ngôn ngữ, Đức cũng từng đạt nhiều giải thưởng ở môn Tiếng Anh (giải Nhất môn tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2022 – 2023; giải Khuyến khích môn tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2022 – 2023; giải Ba môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022).
Đức chia sẻ, đây không phải là “cú sảy chân” hay “tai nạn” trong mùa tuyển sinh đại học. Bởi Ngôn ngữ Đức là ngành học em chọn từ đầu, đặt cho những nguyện vọng ưu tiên.
“Theo em cảm nhận, thị trường của ngành Ngôn ngữ Anh đang dần có sự bão hòa nhất định. Em cũng muốn có một thử thách mới cho bản thân, nên quyết định học Ngôn ngữ Đức dù trước đây chưa từng biết hay học Tiếng Đức”, Đức chia sẻ về ngành học hoàn toàn mới với bản thân.
Tuy nhiên, để đưa ra quyết định này, Đức chia sẻ cũng mất nhiều thời gian để cân nhắc. “Bởi ngay việc chọn ngôn ngữ theo học, em cũng từng phân vân giữa việc chọn nhóm Á Đông (như Nhật, Hàn, Trung) hay nhóm phương Tây (như Đức, Ý, Tây Ban Nha,…). Em đã mất 2 tháng để cân nhắc sự lựa chọn của mình. Em có nghiên cứu và nghĩ rằng triển vọng của ngành Ngôn ngữ Đức khá triển vọng, hoặc theo ngành biên, phiên dịch hoặc theo sư phạm”, Đức kể.
Tin vui thứ hai mà Đức khoe là bố em sau một thời gian điều trị, được ghép thận hiện tại sức khỏe đã đỡ hơn và có thể về nhà, thay vì cứ 1-3 tháng lại về bệnh viện ở Hà Nội để kiểm tra, mua thuốc điều trị như trước đây.
Mẹ em cũng nhận việc làm thêm ở nhà ngoài công việc giáo viên THCS để trang trải thêm cho cuộc sống. “Bố em dù đỡ nhưng cũng mới chỉ làm được những việc nhẹ chưa thể quay trở lại làm mật ong như trước đây. Nhưng giờ đây, thay vì điều trị, bố chỉ cần kiểm tra định kỳ, đỡ đi một nỗi lo đã là niềm vui với em”.
Sau hơn 1 năm kể từ trận chung kết năm Olympia, giờ đây cậu học sinh Sơn La ngày nào không chỉ trở thành sinh viên mà ngoại hình trông cũng rắn rỏi hơn. Đức chia sẻ, việc giảm cân ngoài định hướng cá nhân, phần khác cũng bởi đời sống sinh viên, em phải tập làm quen với cuộc sống tự lập, thắt chặt chi tiêu hơn để đủ trang trải.
“Đời sống sinh viên khác hẳn so với thời phổ thông. Học theo tín chỉ, em không còn một thời khóa biểu cố định. Kể ra thời gian rảnh cũng có thêm, nhưng em dành chỗ đó để ôn tập thêm Tiếng Đức”, nam sinh chia sẻ.
Sinh viên nghèo xa quê, Đức thuê trọ ở cùng một bạn cùng trường, làm quen với cuộc sống tự lập, đi chợ, nấu ăn. Hôm nào bận học thì ăn ở trường, không đi học, các em nấu ăn chung.
“Thách thức lớn nhất với em có lẽ là việc quản lý chi tiêu. Bởi hiện nay, em đang trang trải việc học tập và sinh hoạt nhờ vào học bổng của trường cho sinh viên thủ khoa và số tiền thưởng nhận được từ hồi thi Olympia”, Đức tâm sự.
Đức chia sẻ, cuộc sống sinh viên có nhiều thách thức nhưng cũng đầy thú vị. Hiện em là lớp trưởng của lớp 4Đ-23. Với ngành học mới hoàn toàn với bản thân, Đức cho hay em cũng gặp nhiều khó khăn.
“Quan niệm của em là ngôn ngữ nào cũng có cái khó của riêng nó, nên không cách nào khác, bản thân mình phải cố gắng. Sau một học kỳ, em cảm nhận mình chưa đạt được top đầu nhưng cũng không tệ – như lo lắng ban đầu của em. Điều quan trọng nhất là đến thời điểm này, em vẫn cảm thấy nhiều hứng thú với ngành học”, Đức chia sẻ.
Đức chia sẻ, dịp Tết năm nay, em sẽ cố gắng giúp bố mẹ việc nhà, sau đó tự thưởng cho mình nghỉ hôm 30 và mồng 1 Tết; ngày mồng Hai em sẽ chính thức khai bút và lao vào học Tiếng Đức. “Mọi người thường nói với Tiếng Đức, ở trình độ A, mình có thể “bắt nạt” nó, nhưng từ trình độ B trở lên, nó sẽ quay lại “bắt nạt” mình. Điểm yếu của em là rất chậm thay đổi giữa chế độ nghỉ và làm việc. Chính vì thế em phải chuẩn bị từ trước để chủ động, không ngợp khi guồng quay trở lại sau Tết”, Đức hóm hỉnh.
Nói về dự định trong tương lai gần, Đức cho hay, nhiệm vụ trước mắt là phải tập trung học tốt chương trình đại học ở 2 năm đầu trước khi lựa chọn đi theo chuyên ngành. Đức hy vọng khi kết thúc năm đầu, mình có thể hoàn thành tốt trình độ B1 Tiếng Đức.
“Vấn đề tài chính luôn là nỗi lo đeo đẳng em và gia đình, chính vì vậy em luôn tự nhủ phải cố gắng và hy vọng đạt học bổng mỗi kỳ để trang trải cuộc sống của bản thân, đỡ gánh nặng cho bố mẹ”, Đức nói.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)