(Dân trí) – Cậu bé nằm trên giường bệnh, nhìn chăm chú vào túi máu đang truyền. Nếu được truyền đủ, cậu sẽ được về nhà đón Tết. Nhưng điều đó dường như không thể vì tình trạng thiếu máu nghiêm trọng dịp Tết.
Những ngày cận Tết, cậu bé Bàn Văn T. (quê ở Tuyên Quang) và mẹ vẫn lặng lẽ ở lại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ngay ở giường bên cạnh, cậu bé Lò Khải M. (quê ở Sơn La) cũng đang nằm viện, chờ được truyền máu.
Còn bé tí, nhưng các em đã ý thức được, sự sống của mình là do máu người khác mang lại. Khi tiếng xe lạch cạch tiến đến gần phòng, ai cũng ngước nhìn, xem các cô điều dưỡng có mang đến điều tốt lành, là những túi máu để các em được truyền nhanh, sớm trở về nhà.
“Khi từng giọt máu chảy vào chiếc dây truyền gắn trên cánh tay nhỏ bé của con thì bố mẹ các em mới yên lòng. Những cậu bé đang mệt mỏi, yếu ớt đã trở nên hoạt bát hơn, lại tươi cười đùa nghịch khi sự sống được truyền vào cơ thể”, bác sĩ điều trị thông tin.
Được truyền đủ máu, cậu bé sẽ được về nhà đón Tết với gia đình. Nhưng nếu không đủ máu, bé sẽ phải ở lại bệnh viện vì những nguy cơ biến chứng có thể xảy đến bất cứ lúc nào (Ảnh: B.V).
Cũng là một người bệnh tan máu bẩm sinh, anh Dương Văn Vinh (Nam Định) đã có hàng chục năm sống nhờ vào truyền máu. Trong chặng đường dài ấy, anh đã trải qua rất nhiều những đợt thiếu máu, đặc biệt là vào dịp Tết.
Được truyền máu, những em bé đang mệt lả, xanh xao, yếu đuối sẽ khỏe mạnh, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra (Ảnh: B.V).
“Với chúng tôi, Tết có thể thiếu đủ thứ cũng không sao, nhưng không có máu, là không có Tết. Không những thế, không có máu để truyền còn có nguy cơ nguy hiểm tính mạng”, anh Vinh chia sẻ.
Máu là sự sống của những người bệnh này (Ảnh: B.V).
Cũng trong cảnh thấp thỏm chờ tiểu cầu để truyền cho bố, chị M. cho biết, nếu thiếu tiểu cầu, bố chị có nguy cơ xuất huyết, chảy máu rất nguy hiểm.
“Những ngày này, gia đình người bệnh chỉ mong có đủ máu để người bệnh được về nhà đón Tết. Ở viện, thấy tình trạng thiếu máu rất nhiều, tôi cũng tranh thủ thời gian bố nghỉ ngơi và đi hiến máu. chị M. chia sẻ.
Đại diện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết luôn xảy ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Nguyên nhân là do lực lượng hiến máu chủ đạo là giới trẻ, học sinh sinh viên trở về quê nghỉ Tết.
Hiện 180 bệnh viện tại 31 tỉnh/thành phố đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu lượng máu không được cung cấp đủ trong những ngày tới.
Để đáp ứng nhu cầu máu phục vụ điều trị và cấp cứu trước Tết và dự trữ trong Tết, hiện nay Viện vẫn còn thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu.
Viện Huyết học – Truyền máu TW khẩn thiết kêu gọi người dân tham gia hiến máu trước Tết.
3 ngày qua, đã có thêm hơn 2.000 người dân đến hiến máu theo lời kêu gọi của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Giữa những ngày cuối năm ai cũng hối hả, đây thực sự là món quà sự sống quý giá với người bệnh.
Tuy vậy để bù đắp được sự thiếu hụt 10.000 đơn vị máu, Viện vẫn cần thêm sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng để kho máu được lấp đầy nhiều hơn.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Số 5, phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ mở xuyên Tết để bất cứ ai cũng có thể hiến máu. Theo đó, mọi người có thể đến hiến máu từ 7h30 – 19h00 tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày Tết).
dantri.com.vn