(Dân trí) – Bệnh nhân thường xuyên gặp phải tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt, đau bụng. Nhiều bệnh nhân lầm tưởng rằng mình bị đột quỵ hoặc động kinh
Tưởng động kinh hóa ra sán làm tổ trong não
Cách đây hơn một năm, ông Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), 74 tuổi, sống tại Hà Giang bất ngờ lên cơn co giật, méo miệng, mắt trợn khi đi vệ sinh vào ban đêm.
6 tháng sau, người đàn ông này lại lên cơn co giật với triệu chứng tương tự như lần trước. Nửa tiếng sau, ông trở lại bình thường. Vì sau cơn co giật không gặp phải vấn đề sức khỏe nặng nề nào nên ông Quân không đến bệnh viện.
Một bệnh nhân điều trị sán tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Ảnh: P.V.).
Mới đây, người đàn ông này bộc phát cơn co giật lần ba vào lúc rạng sáng. Người nhà vội đưa ông Quân đến Bệnh viện Đa khoa Hà Giang thăm khám. Tại đây, ông được chụp CT não và phát hiện có 3 ổ sán đang làm tổ trong não.
Đáng chú ý, các ổ sán này lan rộng, có ổ đã vôi hóa. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đặng văn Ngữ (Hà Nội) để điều trị.
Qua khai thác bệnh sử, ông Quân cho biết, tiết canh, thịt tái là món ăn khoái khẩu của mình.
“Hầu như mồng một nào tôi cũng ăn tiết canh. Đặc biệt vào ngày Tết tôi lại ăn càng nhiều, chủ yếu là tiết canh ngan và lợn”, ông Quân chia sẻ.
Tương tự, ông Trí (tên nhân vật đã được thay đổi), 65 tuổi, sống tại Bắc Giang cũng thường xuyên gặp phải tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt, đau bụng. Người đàn ông này tưởng rằng mình bị động kinh.
Tuy nhiên khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng “động kinh” của ông Trí, thật ra là do sán làm tổ trên não.
Khai thác bệnh sử, ông Trí cũng có thói quen ăn tiết canh và các món tái như nem thính, gỏi cùng bạn bè.
Gia tăng bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, cơ sở y tế này tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác.
BS Thọ phân tích: “Nhiều bệnh nhân cho rằng tiết canh lợn, vịt, gà “ở quê”, “nhà nuôi” là sạch nên vẫn vô tư ăn, mà không biết rằng chúng hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm sán và các mầm bệnh nguy hiểm khác như: tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn…”
Tiết canh là món tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa: Getty).
Đáng chú ý nhiều bệnh nhân nhiễm sán não xuất phát từ thói quen ăn đồ tái, sống như tiết canh, thịt lợn tái đã nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và thậm chí là liệt nửa người. Các triệu chứng này khiến bệnh nhân và gia đình dễ nhầm tưởng thành đột quỵ.
“Người mắc sán não bị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống như suy giảm trí nhớ. Bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật.
Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ”, BS Thọ chia sẻ.
Từ thực trạng này, BS Thọ khuyến cáo người bệnh cần tránh ăn các món tái, sống điển hình như tiết canh để tránh nguy cơ bị ký sinh trùng tấn công vào cơ thể. Bên cạnh đó, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Nếu được chẩn đoán nhiễm giun sán, cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không được bỏ dở giữa chừng
dantri.com.vn