(Dân trí) – Đằng sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám trị giá hơn 9.000 tỷ đồng giữa Thomson và FV vẫn còn nhiều điều chưa được tiết lộ, chẳng hạn như: vì sao Thomson chọn FV và ngược lại, đội ngũ lãnh đạo hiện hữu của FV có tiếp tục làm việc.
Báo Dân trí có cuộc phỏng vấn với Tổng giám đốc của FV – bác sĩ Jean-Marcel Guillon để giải đáp những thắc mắc này.
Ngày 17/1, FV công bố chính thức là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon – Tổng giám đốc Bệnh viện FV.
Thương vụ M&A giữa Tập đoàn Y tế Thomson (TMG) và FV được báo chí quốc tế đưa tin từ tháng 7/2023 nhưng mãi tới đầu năm 2024, FV mới chính thức công bố tin này. Lý do là gì, thưa ông?
– Hợp đồng M&A giữa FV và Thomson được ký kết vào ngày 12/7/2023. Cũng như bất kỳ thương vụ M&A nào, hợp đồng này cũng có điều kiện tiên quyết (Conditions precedent) – là những điều kiện phải được thông qua trước khi hợp đồng có hiệu lực để hoàn tất việc chuyển giao.
Tất cả điều kiện tiên quyết đã được hoàn tất vào ngày 11/12/2023, sau đó Thomson cần vài ngày để huy động tiền. Việc thanh toán diễn ra vào ngày 29/12/2023 và đã phân phối đến các cổ đông ngày 2/1/2024.
Chúng tôi chọn ngày 17/1 để tổ chức lễ công bố FV là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson.
Theo ông, yếu tố nào khiến Thomson sẵn sàng trả giá cao đến như vậy, 381,4 triệu USD, để mua lại FV?
– Để đi đến quyết định mua lại một doanh nghiệp nào đó thì các nhà đầu tư phải dựa vào nhiều yếu tố.
Tất nhiên, yếu tố đầu tiên sẽ là doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như tiềm năng thị trường ra sao?, đánh giá tổ chức, quy mô và hệ thống quản trị doanh nghiệp có tốt và minh bạch hay không?, đội ngũ ban giám đốc, lãnh đạo, tập thể nhân viên như thế nào? Rồi nếu dựa vào đội ngũ và nguồn lực như vậy, liệu doanh nghiệp đó có thể tiếp tục phát triển lên nữa hay không?…
Ngoài ra, còn tùy thuộc vào đối tượng người mua. Thông thường, các quỹ đầu tư với kế hoạch thoái vốn sau vài năm, họ sẽ nhắm vào các doanh nghiệp có mức đánh giá thấp hơn với mức giá vừa phải. Còn đối với nhà đầu tư chiến lược muốn phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn sau khi mua thì họ sẵn sàng đưa ra mức giá cao hơn.
Các nhà đầu tư nhìn vào hệ thống quản trị của doanh nghiệp xem doanh nghiệp đó có minh bạch hay không, có sự trong sạch ở hệ thống điều hành và sổ sách tài chính, kế toán hay không. Có nghĩa là tất cả con số đều phải minh bạch, hệ thống điều hành của doanh nghiệp phải trung thực.
Để đi đến quyết định mua lại FV, Thomson thực hiện một quy trình thẩm định toàn bộ doanh nghiệp, xem xét từng ngóc ngách của bệnh viện. Họ đã chi một con số không nhỏ để thuê công ty luật, công ty kiểm toán, công ty tư vấn tài chính và các dịch vụ khác để thực hiện quy trình thẩm định này.
Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Y tế Thomson (trái) và bác sĩ Jean-Marcel Guillon bắt tay tuyên bố FV là thành viên của Thomson.
Vậy Thomson có gì đặc biệt để FV chọn trong số hơn 20 công ty tham gia đấu thầu?
– Quy trình đấu thầu để mua lại FV có tính cạnh tranh rất cao với nhiều bên quan tâm, đa phần là các quỹ đầu tư tư nhân. Thomson là nhà đầu tư chiến lược lọt vào vòng cuối cùng.
Tôi ấn tượng Tập đoàn Y tế Thomson vì họ có nhiều điểm nổi bật. Thomson thể hiện là một tập đoàn có tầm nhìn đầu tư dài hạn, tập trung vào việc tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng, muốn mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách thâm nhập vào Việt Nam và nhắm đến phát triển trong khu vực.
Nói cách khác, tôi tin rằng việc chọn Thomson sẽ góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của FV.
Các bên có các tiêu chuẩn để lựa chọn đối tác của mình, kết quả cuối cùng có thể nói là mỹ mãn.
Xin dẫn lời tổng giám đốc TMG, ông Melvin Heng: “Thương vụ này không đơn giản chỉ là sự hợp tác giữa hai tổ chức mà là sức mạnh tổng hợp về sự tài năng và chuyên môn, cái bắt tay hợp tác của hai gã khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với một mục đích chung. Việc FV trở thành thành viên của Thomson sẽ tiếp thêm sức mạnh cho hoài bão trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu châu Á của FV”.
Sau khi Thomson mua lại FV, bệnh viện sẽ có những thay đổi ra sao trong đội ngũ quản trị, hoặc về chiến lược, chăm sóc bệnh nhân?
– Sau khi FV trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson, tôi và ban giám đốc cùng toàn thể bác sĩ và nhân viên của bệnh viện vẫn ở lại và tiếp tục cùng tập đoàn mở ra kỷ nguyên mới để FV phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Sự sáp nhập này mở rộng hơn cơ hội cho FV hợp tác với các chuyên gia y tế giữa các nước mà Thomson hiện diện, đặc biệt là các bác sĩ đến từ Singapore.
FV có chiến lược phát triển kép, ưu tiên hàng đầu là sự tăng trưởng nội sinh từ các cơ sở hiện hữu. Chúng tôi sẽ xây thêm tòa nhà thứ 3 – tòa nhà H bên cạnh tòa F và V đã có.
Tòa nhà H sẽ được đầu tư các trang thiết bị vô cùng hiện đại cho Trung tâm điều trị ung thư Hy vọng (chẳng hạn như máy chụp PET kỹ thuật số và CyberKnife), mở thêm một trung tâm lọc máu, một trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF, một trung tâm tiêu hóa quy mô lớn và mở rộng các chuyên khoa hiện có như tim mạch, phẫu thuật hàm mặt và các dịch vụ khác.
Tăng trưởng ngoại sinh cũng đóng vai trò quan trọng, thông qua việc mua các cơ sở y tế và thành lập một trung tâm khám, chẩn đoán và điều trị phẫu thuật trong ngày. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên thuộc loại hình này ở Việt Nam. Hiện chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một tòa nhà phù hợp ở TPHCM để phát triển trung tâm này.
Liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, trọng tâm chính của chúng tôi là duy trì chất lượng y tế cao và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người bệnh. Về kế hoạch lâu dài, Thomson muốn FV là nền tảng để mở rộng tại Việt Nam.
Bệnh viện FV được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và đạt chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI (Ảnh: FV)
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển Bệnh viện FV, ông cảm thấy như thế nào khi “đứa con” tinh thần của mình đã được trao cho một tập đoàn khác? Và vì sao FV quyết định bán 100% cổ phần cho Thomson?
– Với tôi, FV là một dự án đầu tư nước ngoài thành công trong lĩnh vực y tế. FV trở thành là một bệnh viện tư nhân hàng đầu, có danh tiếng và được rộng rãi người dân tin tưởng, hằng năm điều trị cho gần 250.000 bệnh nhân, phần lớn là người Việt Nam. Tôi khá tự hào về thành tích này.
FV được thành lập bởi một nhóm nhà sáng lập gồm 9 bác sĩ và 1 luật sư, tôi phụ trách phát triển dự án và sau đó giữ vai trò tổng giám đốc. Năm 2017, Quadria, một quỹ chuyên về đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã mua lại 49,7% cổ phần. Thông thường, các quỹ đầu tư sẽ thoái vốn sau 5 năm, chúng tôi chờ thêm một năm nữa vì Covid-19 và thống nhất tiến hành việc thoái vốn vào năm 2023.
Các đối tác của tôi không phải là quỹ hay tổ chức đầu tư mà là các cá thể, một số người đã nghỉ hưu, do vậy tất cả đã quyết định bán đi 100% bệnh viện.
Còn tôi, lâu nay tôi đã quyết định rằng nghỉ hưu không nằm trong kế hoạch của mình. Vì vậy, sau thương vụ M&A này tôi sẽ vẫn ở lại FV với vị trí là tổng giám đốc. Và tôi sẽ tiếp tục đưa FV ngày càng lớn mạnh hơn với sự hỗ trợ của Thomson, tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu của Singapore.
Với hỗ trợ bởi các nguồn lực của Thomson và bằng các giá trị lãnh đạo chung, chúng tôi sẽ có một quỹ đạo tăng trưởng nhanh hơn, hướng đến những mục tiêu lớn hơn, đó là cùng tạo ra một tổ chức chăm sóc sức khỏe mà qua đó sẽ định nghĩa lại tiêu chuẩn chăm sóc y tế trong khu vực, như lời cam kết của Tiến sĩ Melvin Heng – Tổng giám đốc TMG.
Ngày 17/1, FV chính thức công bố trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson sau thương vụ trị giá hơn 9.000 tỷ đồng (381,4 triệu USD). Truyền thông quốc tế lẫn trong nước đều nhận định sự kiện “FV trở thành thành viên của Thomson” là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, đồng thời cũng là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Thương vụ đánh dấu sự có mặt chính thức vào Việt Nam của Tập đoàn y tế Thomson – một trong những công ty chăm sóc sức khỏe được niêm yết hàng đầu khu vực Đông Nam Á với các hoạt động tại Singapore và Malaysia, nay có thêm Việt Nam.
dantri.com.vn