GĐXH – Ngộ độc khí CO do bật điều hòa ngủ lâu trên xe ô tô thường diễn ra âm thầm, khiến nạn nhân cứ lịm dần…
Sáng 2/6, Công an huyện An Lão (Hải Phòng) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 3 người trong gia đình bị ngạt trong xe ô tô, trong đó một người tử vong. Sự việc đau lòng xảy ra với gia đình ông Phạm Văn T. (49 tuổi, trú tại huyện An Lão, Hải Phòng).
Được biết, đêm 1/6, do mất điện nên ông cùng hai con vào trong ô tô ngủ để trốn nóng. Đến khoảng 3h13 rạng sáng ngày 2/6, chị Lê Thị L. (47 tuổi, vợ anh T.) ra xe kiểm tra thì phát hiện cả chồng và con đều đã bị ngạt. Chị L. vội tri hô, nhờ hàng xóm đưa 3 người thân đi viện cấp cứu.
Đến khoảng 7h sáng nay, em Phạm Minh H. đã tử vong. Anh T. và cháu K. vẫn đang được cấp cứu, đã hồi tỉnh. Hiện, công an huyện An Lão đang điều tra, xác minh vụ việc.
Ngủ nhiều giờ trong ô tô bật điều hòa có thể mất mạng
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Báo Giao thông về nguyên nhân xảy tình huống trên, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Trong trường hợp này nhiều khả năng nạn nhân để chế độ lấy gió trong. Chính việc lấy gió trong đó khiến không có lưu thông không khí với bên ngoài, khí CO2 từ hơi thở ra tăng, tuy nhiên khí CO2 này không phải nguyên nhân chính gây hôn mê.
Mà nguyên nhân là khi động cơ ôtô hoạt động sinh ra nhiều loại khí, trong đó có CO và metan… Đặc biệt khí CO không có mùi, biểu hiện nhiễm độc CO cũng từ từ không gây ra bất kỳ cảnh báo nào đối với cơ thể. Khi nồng độ CO cao làm hồng cầu của người ở trong môi trường nhiễm độc không chở oxy được nữa, khiến bệnh nhân lịm dần đi”.
Theo PGS. Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cao cấp, trường Đại học Y Dược TP.HCM, hầu như năm nào cũng ghi nhận các ca ngộ độc khí CO do ngủ quên trong xe ôtô. Bình thường xe nổ máy, điều hòa mát nên mọi người vào ngủ ngon giấc, sâu hơn và xe hết xăng sẽ tự động tắt máy, một số ít trường hợp gặp trục trặc máy tự tắt. Khi đó, môi trường trong xe kín, oxy cạn kiệt dần và các nạn nhân thiếu oxy lịm đi dẫn tới tử vong.
Ngộ độc CO thường âm thầm, nạn nhân cứ lịm dần. Nguồn phát sinh khí CO, như khói ô tô, khói xe máy, bếp than tổ ong, lò sưởi bằng than hay củi, bếp gas… Vì vậy, nếu ở môi trường kín như trong gara, hầm xe, phòng càng kín nguy cơ ngộ độc CO càng lớn.
Dấu hiệu bị ngộ độc CO khi bật điều hòa ngủ trên xe ô tô
Ảnh minh họa
Dấu hiệu ngộ độc CO, nạn nhân có cảm giác đau đầu, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, suy nghĩ khó, buồn nôn, mất ý thức, ảo giác, hạ thân nhiệt, tím tái, hôn mê. Một số trường hợp co giật, kích thích như la hét, đập phá nhưng tỷ lệ này rất nhỏ. Đa phần, nạn nhân lịm dần do oxy vận chuyển trong máu giảm dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Cách điều trị cho nạn nhân ngộ độc CO duy nhất bằng cách bù oxy liều cao. Nạn nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế nhanh nhất có thể để được thở xy. Các bác sĩ hỗ trợ nạn nhân hồi sức tim phổi, bù phục nước điện giải rất quan trọng vì các tế bào bị phá hủy gây rối loạn.
Cần lưu ý gì khi ngủ trên ô tô?
Các bác sĩ khuyến cáo, trời nắng nóng nếu mất điện người dân tuyệt đối không vào xe ôtô ngủ trốn nóng.
Trong trường hợp ngủ lại trên ôtô thì cần lưu ý:
– Hãy chọn nơi thông thoáng và râm mát để đỗ xe, giúp khí thải từ ống xả nhanh tản đi, không quẩn quanh ô tô.
– Khi bật điều hòa ngủ trong ô tô, giải pháp cho việc lấy dưỡng khí là mở hé cửa kính khoảng 1,5-2,5cm.
– Hãy đặt chuông báo thức liên tiếp 15-30-45-60 phút để không ngủ quên trên xe quá lâu, tránh trường hợp quá mệt hoặc buồn ngủ mà vô thức tắt chuông ngủ tiếp.
Rung lắc trẻ sơ sinh nguy hiểm thế nào? Những bệnh tiềm ẩn trẻ có thể mắc phải?
GĐXH – Hội chứng rung lắc cũng có thể gây các biến chứng muộn, thậm chí nhiều năm sau khi bị rung lắc như trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, nghe kém, giảm thị lực…
Những điều cần biết về thu nhỏ dạ dày để giảm béo, ai thích hợp với biện pháp này?
GĐXH – Để tự tin trước ngày cưới, cô gái nặng 100kg đã tìm đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để giảm cân.
Không lo mắc bệnh xương khớp nếu uống nước dứa theo cách này