(Dân trí) – Theo Bộ Y tế, trong năm 2023 nước ta ghi nhận 82 ca tử vong do dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Đặc biệt, có gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại, giá mỗi liều khoảng 1,5 triệu đồng.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch năm 2024 diễn ra sáng 24/1, TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022.
Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).
TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Trần Minh).
“Đáng chú ý, theo thống kê gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại, với giá mỗi liều là 1,2-1,7 triệu đồng ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng. Đồng thời, chúng ta phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.
Như vậy, dù số tử vong chỉ 82 nhưng tổng kinh phí chúng ta phải chi trả cho bệnh dại là rất lớn”, TS Đức nói.
Năm 2023, nước ta cũng ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 trường hợp tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp).
“Tuy nhiên, nếu như mọi năm dịch chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thì trong năm ngoái, lần đầu tiên có ngoại lệ số mắc của TP Hà Nội tăng cao, dịch kéo dài, khác thường so với chu kỳ các năm trước”, TS Đức phân tích.
Theo thông lệ, tại miền Bắc dịch bắt đầu tăng lên từ tháng 10 sau đó giảm dần, tuy nhiên trong năm ngoái đến tận tháng 11, 12, số mắc sốt xuất huyết của TP Hà Nội vẫn tăng. Hiện nay, trên cả nước về cơ bản số mắc giảm dần.
Các địa phương ghi nhận số mắc sốt xuất huyết cao trong năm 2023 là TP Hà Nội (36.795), TPHCM (17.257), Gia Lai (6.532), Đồng Nai (5.508), Bình Dương (5.092)…
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, kết quả điều tra sự phân bố của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cho thấy muỗi truyền bệnh tại Hà Nội bao gồm 2 loài là Ae.aegypti và Ae.albopictus. Trong đó, véctơ chính truyền bệnh là muỗi Ae.aegypti trước đây phân bổ chủ yếu tại các quận nội thành và một số huyện ven nội thành, còn tại các huyện sự phân bố không đều và rải rác.
Tuy nhiên, sự lan rộng của véctơ chính là muỗi Ae.aegypti trong giai đoạn những năm gần đây rất nhanh chóng.
Năm 2015 chỉ có 15/30 quận/huyện/thị xã có sự lưu hành của muỗi Ae.aegypti, đến hiện tại năm 2023 kết quả giám sát cho thấy 29/30 quận/huyện/thị xã đã phát hiện được muỗi Ae.aegypti (trừ Sóc Sơn).
Hà Nội cũng có đầy đủ sự lưu hành của cả 4 túyp virus Dengue, túyp DENV-4 có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát như cúm, tay chân miệng. Bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ chủ yếu tập trung ở TPHCM, một số tỉnh phía Nam nhưng có nguy cơ lan ra các tỉnh khác trong cả nước.
“Năm 2022, nước ta chỉ ghi nhận vài ca nhập cảnh nhưng đến nay chúng ta đã phát sinh ca bệnh trong cộng đồng. Vì thế, các địa phương cần hết sức lưu ý”, Thứ trưởng Hương nói.
Với các bệnh có vaccine phòng, tỷ lệ tiêm chủng chưa đầy đủ nên vẫn có nguy cơ bùng phát. Các yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân góp phần làm dịch bệnh lan truyền nhanh hơn.
Vì thế, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế để chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Cục Y tế Dự phòng cần phân tích kỹ vì sao bệnh bạch hầu vẫn xảy ra, sốt xuất huyết tăng ở Hà Nội, từ đó xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2024 sát với thực tế, rõ ràng, trong đó củng cố, kiện toàn lại hệ thống giám sát dịch bệnh.
dantri.com.vn